PHẬT GIÁO ÚC CHÂU Trụ sở Giáo Hội: Chùa Trúc Lâm, 11-15 Winspear Ave, Bankstown, NSW 2200. Tel: +61.02. 97086339 ; Mobile: 0422 310 225. Australia. Website: www.phatgiaoucchau.com. Email: giaohoiucchau@gmail.com.
KẾT NỐI CÙNG PGUC
THƯ MỤC TÁC GIẢ
KHÁCH VIẾNG THĂM
100,000

Phương Hướng Bảo Vệ và Phát Triển PGVN tại Úc Châu

30 Tháng Mười 20191:46 CH(Xem: 4803)
Phương Hướng Bảo Vệ và Phát Triển PGVN tại Úc Châu
Bài tham luận
PHƯƠNG HƯỚNG BẢO VỆ VÀ
PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI ÚC CHÂU

Luật sư Đào Tăng Dực, Pháp danh: Chúc Phán


  

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính Hòa Thượng Hội Chủ
Kính Chư Tôn Đức,
Kính Thượng Tọa Trưởng Ban Tổ Chức,
Kính thưa quý vị đại biểu

  

I. Dẫn nhập:
Phật tử chúng ta có thể luôn hãnh diện vì tôn giáo của mình là một hệ thống tư tưởng từ bi và trí tuệ vô lượng, hoàn toàn phi giáo điều, không giam nhốt tâm linh con người trong phạm vi khống chế của bất cứ một thần linh hay thượng đế nào, trừ nghiệp lực của chính bản thân. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ vượt thoát nghiệp lực này, nếu theo đúng con đường của Đức Phật vạch ra cho chúng ta đi, hàm chứa qua Tứ Điệu Đế và Bát Chánh Đạo.
Trong thế kỷ 21, khi nghiên cứu về chính trị và xã hội, có 2 điều nổi bật làm chúng ta khâm phục và ngưỡng mộ nhất nơi Đức Bổn Sư vì tuệ giác vượt thời gian của Ngài.
Điều nổi bật thứ nhất là Ngài chọn con đường không thành lập một Giáo Hội tập quyền (centralisation of powers), mà chọn sự hình thành những Tăng đoàn phạm hạnh, sinh hoạt độc lập để truyền trao giáo pháp.
Điều nổi bật thứ hai là Ngài đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại, đi ngược với truyền thống trọng nam khinh nữ của thời đại và cho phép giới nữ gia nhập hàng ngũ Tăng đoàn. Điều mà nhiều tôn giáo Trung Đông cũng như Âu Châu đến kỷ nguyên này vẫn chưa đủ can đảm và trí tuệ để thực hành.

1. Tăng đoàn thay vì Giáo Hội:
Khi quy y Tam Bảo, theo lời dạy của Đức Bổn Sư, là chúng ta quy y với 3 thực thể nền tảng của Phật Giáo. Đó là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Tăng Bảo tức là Tăng đoàn, gồm Chư Tôn Đức bằng xương bằng thịt, như là những trưởng tử của Đức Như Lai.
Đức Bổn Sư quy định rằng chúng ta quy y Tam Bảo chứ không quy y Giáo hội nào cả.
Duyệt lại lịch sử của những tôn giáo chính của nhân loại, chúng ta thấy có 2 khuynh hướng tương đối cực đoan:
Một là thành lập những Giáo hội chặt chẽ, tập quyền, có một hệ thống quyền lực căn cứ trên đẳng cấp, kỷ luật và những giáo điều cũng như hình phạt nghiêm khắc đối với tín đồ và những kẻ ngoại đạo. Điển hình là Giáo Hội Công Giáo thời Trung Cổ và Cận Kim, các Giáo hội Tin Lành, Các Giáo hội Hồi Giáo, Khổng Giáo (ở mức độ giới hạn hơn) thời phong kiến tại Đông Á. Đó là khuynh hướng tập trung quyền lực hay gọi tắc là tập quyền (centralisation of powers).

Hai là chủ trương hoàn toàn không có tổ chức và khuôn khổ nào cả, điển hình nhất là Lão Giáo tại Đông Á thời phong kiến cũng như ngày nay. Đó là khuynh hướng vô vi (non-action) của Lão Tử và các hệ thống tư tưởng Hư Vô (nihilism).
Khi đối diện với 2 chọn lựa như thế, Đức Bổn Sư đã dùng tuệ giác của mình, chối bỏ cả 2 cực đoan và chọn lựa con đường trung đạo thứ 3.
Cách đây 2600 năm, Ngài đã thấy trước rằng, nếu thành lập một Giáo hội chặt chẽ với một cấu trúc quyền lực mạnh, tập trung, thì giáo hội sẽ phát triển nhanh, nhưng trong lịch sử sẽ trở thành một định chế xã hội đôi khi khống chế cả nhà nước lẫn xã hội dân sự, gây khổ đau cho nhân loại.
Điều này sẽ đi ngược với lòng từ bi vô lượng của Chư Phật. Ngài cương quyết từ chối đề xuất này.
Cũng cách đây 2600 năm, Ngài đã thấy trước rằng, chủ trương hoàn toàn vô vi, phi khuôn khổ như Lão Giáo, sẽ không đủ khả năng lưu truyền chánh pháp và phổ độ chúng sinh được. Bằng chứng là Lão Giáo đã hầu như hoàn toàn mai một như một tôn giáo và hệ thống tư tưởng.
Cái còn lại chẳng qua là Lão Tử Đạo Đức Kinh và một vài áng văn chương bóng bẩy của Trang Tử trong Trang Tử Nam Hoa Kinh như là những diễm cảm nghệ thuật. 

Như vậy thì con đường trung đạo của Đức Bổn Sư là gì?
Đó là Ngài không chủ trương một Giáo hội đầy quyền lực, có tiềm năng khuynh đảo chính quyền và xã hội dân sự. Nhưng Ngài chủ trương những Tăng đoàn phạm hạnh, độc lập lẫn nhau và hoằng dương chánh pháp sau khi Ngài viên tịch.
Cũng chính vì chủ trương này mà nhiều thế hệ Tăng lữ, từ Đức Phật cho đến chư Tổ, các Thánh tăng, từ Ấn Độ đến Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng và Việt Nam đã phát huy tư tưởng Phật Đà và lưu truyền đến chúng ta ngày hôm nay.
Chư Tăng đã thi hành công tác phổ độ chúng sanh, trao truyền Phật pháp này trong tinh thần hòa bình, từ bi vô lượng của Chư Phật và trong suốt hành trình nhiều thiên niên kỷ, không có bất cứ giọt máu nào của chúng sanh đổ xuống, nhân danh Phật Giáo cả.

2. Cách mạng giải phóng phụ nữ trên bình diện tâm linh:
Một trong những bất công nền tảng của nhân loại là bất công về giới tính, từ thuở bình minh lịch sử cho đến bây giờ.
Bất công này hiện hữu tại Tây Phương cho đến đầu thế kỷ 20 và tuy có nhiều cải tổ nhưng vẫn còn bàng bạc đến bây giờ, nhất là trong các tôn giáo lớn.
Tại Đông Á thì tệ hại không kém Tây Phương thời Trung Cổ, vì truyền thống Khổng Giáo, ngày nay đang cố gắng bắt kịp Tây Phương.
Tại Trung Đông và các quốc gia Hồi Giáo thì tệ hại hơn nhiều. Người phụ nữ vẫn bị xem là công dân hạng nhì và không được bình đẳng với nam giới trong xã hội lẫn trên bình diện tôn giáo.
Tại Nam Á thì Bà La Môn Giáo, ngoài các giai cấp khắc nghiệt ra, còn phân biệt đối xử với người phụ nữ, mặc dầu Ấn Độ cũng như Đông Á, đang cố gắng bắt kịp Tây Phương.
Trên bình diện này, khi Đức Phật chấp nhận cho giới nữ gia nhập hàng ngũ Tăng đoàn phạm hạnh của Ngài, thì Ngài đã đi trước những lãnh đạo tôn giáo và tư tưởng gia khác của nhân loại hằng ngàn năm.
Chúng ta sẽ bàn luận thêm về tư tưởng cách mạng về bình quyền phụ nữ của Ngài ở đoạn sau.
3. Như vậy, trách nhiệm của người Phật Tử trong kỷ nguyên mới là gì?
Đó là nắm bắt tinh thần khai phóng của Đấng Từ Phụ, cập nhật hóa những sách lược tâm linh của Ngài, khai triển những sách lược này trong thời đại mới hầu góp phần phổ độ chúng sanh trong Tam Giới hiệu năng hơn.

II. Trên bình diện cấu trúc điều hành

Tại Việt Nam, trước thời kỳ Thực Dân Pháp đô hộ bắt đầu năm 1884, các tôn giáo truyền thống như Phật Giáo, Lão Giáo và Khổng Giáo sinh hoạt hầu như không có tổ chức. Ngoại trừ Khổng Giáo có một giai cấp quan lại, thì không có tổ chức nào gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cả. Chỉ có những chùa chiền và những Tăng sĩ hay Tăng đoàn độc lập. Lão Giáo thì càng vô tổ chức hơn nữa.
Tuy nhiên, khi Đông Á tiếp xúc với nền văn hóa Tây Phương thì xã hội, trong đó có sinh hoạt tôn giáo cũng biến chuyển theo. Tại Việt Nam, dưới sự đô hộ của người Pháp và sau đó miền Bắc dưới sự cai trị của người Cộng Sản, lẫn miền Nam dưới Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, từ từ các Giáo hội Phật giáo toàn quốc được thành lập. Dĩ nhiên ngoài Bắc thì trở thành một ngoại vi cho đảng CSVN, theo đúng chủ trương xâm nhập xã hội dân sự của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Trong Nam thì Giáo Hội Phật Giáo cũng đã trực diện với những vấn nạn chính trị phức tạp.
Ngộ biến thì phải tòng quyền. Chúng ta phải nhận định ngay rằng, tại Việt Nam,  việc đoàn ngũ hóa các tôn giáo bản địa (như Phật Giáo, Cao Đài và Hòa Hảo) như những thành phần của xã hội dân sự, đối trọng với chính quyền, là một khuynh hướng hầu như bất khả vãn hồi của tiến trình dân chủ hóa và canh tân đất nước.

Tuy nhiên chúng ta cần ý thức những khuyết điểm trong lịch sử đoàn ngũ hóa Thiên Chúa Giáo (Christianity) tại Tây Phương từ thời Trung Cổ (Middle Ages) đến thời Ánh Sáng (Age of enlightenment), hoặc hiện tượng đoàn ngũ hóa Hồi Giáo tại Bắc Phi và Trung Đông, từ thời Trung Cổ cho đến bây giờ, hầu rút tỉa những bài học và tránh những thái quá đau thương đẫm máu, phát xuất từ tiến trình định chế hóa các tôn giáo nêu trên.
Câu hỏi nghiêm túc chúng ta phải đặt ra là:
Trong hoàn cảnh bất khả kháng như thế, làm sao chúng ta có thể tiếp tục đi con đường trung đạo đầy tuệ giác của Đức Thế Tôn, hầu tránh vết xe đổ của những tôn giáo khác?

Câu trả lời của dành cho chúng ta là:
Muốn tránh những vết xe sai lầm của các tôn giáo Tây Phương và Trung Đông, một Giáo Hội Phật Giáo toàn quốc lý tưởng nhất nên mang các đặc tính nền tảng sau đây:
(1) Vị Giáo Chủ hay Pháp Chủ chỉ giữ vị trí biểu tượng và nghi lễ;
(2) Trung ương chỉ giữ quyền liên hệ đến sự huấn luyện Tăng lữ và duy trì phẩm hạnh Tăng đoàn;
(3) Quyền hành của Trung Ương sẽ do một Hội Đồng Giáo Phẩm, bao gồm những Tăng Sĩ đại diện từ địa phương, hành xử;
(4) Cấu trúc Giáo hội phải trao nhiều quyền tự trị cho các cơ sở địa phương càng gần dân càng tốt (như thành phố, quận, huyện và tỉnh);
(6) Địa phương có toàn quyền quản trị tài sản bao gồm bất động sản và mọi hình thức tài sản khác;
(7) Trung ương chỉ sở hữu những tài sản trực thuộc trung ương, hầu có khả năng duy trì và phát huy trách nhiệm của mình.
Tóm lại, phải luôn luôn tránh khuynh hướng trung ương tập quyền (centralisation of powers) và phải luôn chủ trương phân quyền (decentralisation of powers) đến các cơ sở địa phương càng nhiều càng tốt. Lý do vì chính tại các địa phương, với những Tăng, Ni và Tăng đoàn phạm hạnh, độc lập, không bị ràng buộc bởi những cấu trúc quyền lực, mới có khả năng trao truyền thông điệp tâm linh cao cả của Đức Thế Tôn, mà không bị cuốn hút vào những tranh chấp chính trị, giữa những định chế khác nhau thuộc xã hội dân sự hoặc nhà nước.

A. Cấu trúc điều hành tổng quát tại Úc Châu:
Tuy chịu nhiều áp lực thành lập những Giáo hội chặt chẽ, trong kỷ nguyên mới và như tại Úc Đại Lợi là trong môi trường xã hội hoàn toàn mới, nhưng tuệ giác của chư Tăng tại Úc Đại Lợi làm chúng ta phải kính phục.
Hầu như từ khi được thành lập đến giờ, yếu tố địa phương phân quyền của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan tuyệt cao và các chùa và tự viện địa phương đều là những Tăng, Ni tương đối độc lập, tùy duyên phát huy chánh pháp hầu phổ độ chúng sinh.

1. Giáo Hội Trung Ương Cấp Liên Bang
Giáo hội cấp liên bang hầu như đáp ứng tất cả 7 đặc tính nền tảng nêu ra ở trên hầu tránh những khuyết điểm của những định chế tôn giáo tập trung quyền lực.
Chính vì thế, trên phương diện điều hành, chúng ta không cần điều chỉnh gì trừ một vài chi tiết thêm như sau:
(1). Cần thành lập tại Trung Ương một “Tổng vụ phiên dịch Việt- Anh” phụ trách chuyển ngữ kinh điển và các văn kiện. Mục đích sẽ được khai triển trong phần sách lược tiếp theo.
(2). Cần thành lập một Tổng vụ Tin Học và truyền thông:
- Một trong những trách nhiệm quan trọng là huấn luyện về tin học hiện đại cho các cấu trúc hạ tầng hoặc các vị trong hàng Giáo phẩm
- Mục đích sẽ được khai triển trong phần sách lược tiếp theo.
(3). Cần thành lập một Ban cố vấn trung ương cho Giáo Hội: Quy tụ giới cư sĩ tại gia và thành phần lãnh đạo trong các Gia Đình Phật Tử hầu đoàn ngũ hóa chất xám Phật Giáo, hộ trì cho chư Tăng.
2. Giáo hội cấp Tiểu Bang
Tuy quốc gia Úc Đại Lợi có 3 cấp chính quyền gồm Liên bang, Tiểu bang và các cấp chính quyền Địa phương. Tuy nhiên nhìn về góc cạnh Phật Giáo, chúng ta chưa nhìn thấy sự cần thiết của một cấp Giáo hội tiểu bang.
Hầu như các chùa và tự viện là những đơn vị địa phương và có thể trực tiếp liên hệ và hoạt động với Giáo Hội Trung Ương mà không cần qua một Giáo hội tiểu bang nào.
Dĩ nhiên nếu các chùa hoặc tự viện trong một tiểu bang cảm thấy có nhu cầu thì việc thành lập một Giáo hội cấp tiểu bang sẽ tùy duyên mà hình thành.
3. Các chùa và tự viện địa phương
Các chùa và tự viện địa phương này mới là nền tảng của Giáo Hội, chứ không phải Giáo Hội Trung Ương.
Các thực thể địa phương, trên nguyên tắc là những Tăng đoàn phạm hạnh, truyền trao giáo pháp phổ độ chúng sanh.
Trên phương diện luật pháp, các thực thể này sở hữu tài sản và có quyền quyết định độc lập về mọi phương diện, trong phạm vi luật pháp.

(1) Có cần đăng ký (incorporate) hay không?
Các thực thể không bắt buộc phải đăng ký nhưng khi đăng ký sẽ có trách nhiệm và quyền lợi:
a. Trách nhiệm: Phải report với các cơ quan công quyền hằng năm (i.e Fair Trading (NSW), ATO, ACNC)
b. Quyền lợi: Trách nhiệm hữu hạn, sở hữu tài sản trực tiếp.
Dù có đăng ký hay không, các thực thể này nên tu chính nội quy để thực thi các điều sau đây:
a. Đổi tên các Ban Trị Sự thành Ban Hộ Trì Tam Bảo dù chùa có đăng ký với tư cách pháp nhân hay không.
b. Chỉ có các vị tu sĩ xuất gia mới có thể trở thành Chủ tịch Ban Hộ Trì Tam Bảo.
c. Chủ tịch/tu sĩ xuất gia có quyền phủ quyết các quyết định của ban Hộ Trì Tam Bảo.
d. Ban HTTB này sẽ có ít nhất 3 nhân sự sau đây:
(i) Chủ tịch
(ii) Thư ký/thủ quỹ
(iii) Ủy viên tin học

e. Nhiệm kỳ của Ban HTTB nên ấn định khoảng 5 năm thay vì 1 năm theo các nội quy mẫu để duy trì sự ổn định trong Phật Sự.
Tại NSW thì đăng ký dưới dạng Incorporation với Fair Trading của tiểu bang trên nguyên tắc, chỉ có thể sở hữu tài sản lên đến 2 triệu Úc Kim.

4. Một khi các tự viện có tài sản vượt qua ngưỡng cửa tài sản 2 triệu Úc Kim, thì phải đăng ký với sắc luật Corporations của Liên Bang như một Company Limited by Guaranty.
một chùa ở Sydney vừa qua khỏi trục trặc pháp lý và đã  tái đăng ký dưới dạng một Company Limited by guaranty. Đây là một bài học mà các chùa và tự viện cần học hỏi khi chúng ta có thời gian.
B. Tương quan vận hành giữa các cấp trong Giáo hội:
1. Cấp địa phương gồm các chùa hoặc tự viện độc lập:
a. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi chùa hoặc tự viện là làm danh sách các Phật tử quy y và sau đó thành lập danh sách cử tri địa phương.
b. Gởi danh sách Phật tử quy y và danh sách cử tri địa phương về cho Giáo Hội trung ương hầu Giáo Hội có thể kết tập.
Đây là một công tác vô cùng quan trọng vì chúng ta sinh hoạt trong một môi trường dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Các ứng cử viên Nghị viên thành phố, Dân biểu tiểu bang hay liên bang tranh nhau từng phiếu một. Sở hữu những thống kê này vô cùng quan trọng, cộng với hệ thống truyền thông cổ điển và mạng xã hội chúng ta xây dựng, sẽ đem lại nhiều lợi thế hầu phát triển Phật Giáo tại Úc.
2. Sự quan trọng của các phương tiện thông tin hiện đại trong sự vận hành của Giáo Hội như video conferencing:
Một trong những khuyết điểm của những người hoạt động xã hội, chính trị và tôn giáo tại Úc Châu là khoảng cách giữa người và người, địa phương và địa phương quá xa. Tuy nhiên, trong thời đại tin học, chúng ta có thể vượt qua dễ dàng nếu sử dụng những phương tiện tin học hiện đại. Họp giữa Chư Tôn từ các tiểu bang hay thành phố khác nhau qua Skype, Zoom v.v… hoặc những phương tiện video conferencing khác, vừa rẻ tiền, vừa tiện dụng, sẽ huy động được tiềm năng của Chư Tôn Đức và Phật Tử phát huy diệu dụng của khoa học hầu phụng sự Phật Pháp.
Trên thực tế ngày hôm nay Chúc Phán có thể trình bày quan điểm của mình qua Video Conferencing mà không cần phải bay xuống Melbourne từ Sydney.


III. Trên bình diện đường hướng bảo vệ và phát triển Phật Giáo

Một cách tóm lược, đường hướng của chúng ta, theo đúng tinh thần từ bi và trí tuệ của Chư Phật gồm 2 yếu tính chính:
1. Một là kiện toàn sức mạnh nội tại của chính mình, qua sự loại bỏ những khuyết điểm nội tại và phát huy những ưu điểm, nhưng không bao giờ có những động thái nhằm mục tiêu làm suy giảm uy tín của các tôn giáo khác.
2. Hai là quảng bá những ưu điểm từ bi và trí tuệ kiệt xuất của Phật Pháp nhưng không đả phá những khuyết điểm của các tôn giáo khác.

A. Đường hướng bảo vệ Phật Giáo

1. Ưu tiên bảo vệ uy tín của hàng giáo phẩm:
Một trong những hy sinh của Chư Tôn Đức khi trở thành Trưởng tử của Như Lai là sự kiện chúng ta chấp nhận không có một Giáo hội mạnh, tập quyền. Cũng vì thế khi quý Ngài bị các thế lực vô minh bôi nhọ hay phỉ báng, thì uy tín các Ngài không được bảo vệ chu đáo.
Điều này sẽ được điều chỉnh nếu chúng ta theo đúng sách lược xây dựng một cấu trúc và sách lược truyền thông nghiêm túc, một mặt phát huy chánh pháp, mặt khác bảo vệ chư Tăng.

2. Hóa giải những âm mưu đánh phá Phật Giáo từ những thế lực vô minh:
Tuy Phật giáo không xem bất cứ chúng sinh nào trong Tam Giới là kẻ thù, nhưng nhiều thế lực vô minh có thể thù ghét Phật giáo. Chính vì thế chúng ta vẫn cần những kế hoạch hầu hóa giải những âm mưu đánh phá Phật giáo từ những thế lực vô minh đó.
Phật giáo sẽ chiến thắng vì 2 yếu tố tất yếu:
a. Một là những khám phá mới mẻ nhất của Khoa Học, từ Vật Lý Vũ Trụ (Astro-physics) đến Vật Lý Lượng Tử (Quantum Physics) đều phản ảnh đúng tư tưởng Phật Đà và ánh sáng của khoa học chiếu rọi tới những hóc hẻm xa xôi nhất của vũ trụ vô cùng vô tận, cũng sẽ là môi trường tốt cho ánh sáng của Tứ Điệu Đế và Bát Chánh Đạo phát huy, hầu phổ độ chúng sinh.

b. Hai là, cuộc cách mạng tin học đem sự thật, nhất là sự thật lịch sử nhân loại, sự thật lịch sử Việt Nam, đến từng con người cá thể và sự thật này sẽ hóa giải mọi âm mưu đánh phá Phật Giáo.

3. Hướng dẫn Phật tử về tu tập Phật pháp:
Phật pháp tuy là một hệ thống tư tưởng uyên thâm, nhưng khác với những hệ thống tư tưởng thuần lý thuyết Tây Phương ở chỗ, Phật Pháp muốn viên thành phải thực tập và chứng nghiệm. Chính vì thế các khóa tu hành vô cùng cần thiết, nhất là thiền định là một trong những kỹ năng then chốt trong Bát Chánh Đạo.

4. Hướng dẫn Phật tử về lịch sử khai quốc và kiến quốc của dân tộc, vai trò của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử và các pháp nạn Phật giáo trải qua:
Đây là khía cạnh sự thật lịch sử mà các Phật tử phải nắm bắt trước khi tiếp tay với chư Tôn Đức trong công tác hóa giải những đánh phá từ các thế lực vô minh.

5. Tổ chức thường xuyên ở cấp địa phương, hoặc tiểu bang, hoặc liên bang các buổi lễ vinh danh những danh nhân Phật Giáo trong lịch sử, từ thời khai quốc đến nay như Thiền Sư Vạn Hạnh, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Bồ Tát Thích Quảng Đức, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thiền Sư Thích Thanh Từ, mời không những Phật tử mà luôn cả những người ngoại quốc tham dự.
Trong xã hội đa văn hóa Úc Đại Lợi, chúng ta có quyền và có bổn phận vinh danh những nhân vật có công lao với tôn giáo của mình, cũng như các tôn giáo khác có quyền làm như thế đối với những danh nhân của họ. Việc làm của chúng ta không những được luật pháp bảo vệ mà còn xây dựng một cộng đồng Phật giáo mạnh, phồn vinh và góp phần xây dựng Úc Đại Lợi như một quốc gia ân nhân của chúng ta.
B. Đường hướng phát huy Phật Giáo:
 
1. San định và cập nhật hóa kinh điển sử dụng tại các chùa và tự viện, để phù hợp với sinh hoạt của Giáo Hội.
 
a. Tất cả những quan điểm về thần thoại hoặc phép lạ cần xem xét lại cho phù hợp
 
b. Những ý niệm phân biệt giới tính
 
Phật Giáo cần ứng dụng phương tiện của thời đại để tuyên dương giáo pháp phù hợp căn cơ, trình độ hiểu biết của con người giữa thời đại tín học, ngỏ hầu đẩy mạnh phòng trào tu học, hoằng pháp trong quảng đại quần chúng mới chuyển tải Phật pháp đến mọi người, mọi nhà trong xã hội nhân sinh.

2. Dịch ra Việt Ngữ tất cả các bài kinh chữ Phạn hoặc chữ Hán trong nghi thức tụng niệm:
Tâm nguyện của Đức Bổn Sư cũng như Chư Phật là chúng sinh phải hiểu và chứng được chân lý hầu đạt đến giác ngộ viên mãn, thành Phật như quý Ngài.
Chính vì thế thông hiểu áo nghĩa của kinh điển là nền tảng của Phật Pháp.
Đọc và tụng kinh mà không hiểu lời của chính mình đọc và tụng là gì, tự nó là một phi lý và phản lại ý nguyện của Chư Phật và Chư Bồ Tát.
Ngày hôm nay, nhiều chùa chiền và tự viện đã hiểu việc này nên một số các kinh điển được dịch ra tiếng Việt. Nhiều kinh điển không những được dịch tiếng Việt mà còn được dịch ra văn vần rất hay và dễ nhớ.
Tuy nhiên sự kiện này chưa được đồng nhất trên khắp mọi nơi. Ngay cả cuốn Nghi Thức Tụng Niệm của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất tại NSW cũng chưa được chuyển ngữ sang tiếng Việt toàn bộ.
Một số Kinh hoặc thần chú hoặc chân ngôn dưới đây cần được chuyển dịch sang tiếng Việt hầu các Phật Tử có thể hiểu được những chân lý chư Phật, chư Bồ Tát và chư Tổ giảng dạy. Có như thế chúng ta mới có thể nâng cao tầm hiểu biết và sự tu chứng thật sự của Phật Tử khi tụng kinh:
a. Chú Đại Bi đang bằng tiếng Phạn hay Pali.
b. Bát Nhã Tâm Kinh đang bằng chữ Hán.
c. Bài Bạt Nhứt thế nghiệp chướng căn bản đắc sinh tịnh độ Đà La Ni đang bằng chữ Phạn hay Pali.
d. Tiêu tai các tường thần chú đang bằng chữ Phạn hay Pali.
e. Kinh A di Đà bằng chữ Hán.
f. Kinh Phổ Môn bằng chữ Hán.
g. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm và các chân ngôn bằng tiếng Phạn hoặc Pali và chữ Hán.

3. Song ngữ hóa Việt-Anh tất cả mọi kinh điển khi có phương tiện, nhất là cuốn nghi thức tụng niệm

Một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của người Phật tử và nhất là hàng ngũ chư Tôn Đức là quảng đại Phật Pháp hầu phổ độ chúng sinh, không giới hạn màu da hay chủng tộc. Chính vì thế kinh sách Phật Giáo, nhất là những bài kinh nhật tụng như trong cuốn Nghi Thức Tụng Niệm, sau khi đã chấn chỉnh loại bỏ những yếu tố huyền thoại hoặc thần quyền, những hình phạt rùng rợn hoặc những ngọc ngà châu báu xa hoa, những ý niệm kỳ thị nữ giới, cần phải được chuyển dịch sang Anh Ngữ, vì ngôn ngữ này, trong kỷ nghuyên mới sẽ là ngôn ngữ toàn cầu.
Thêm vào đó, các Giáo Hội Phật Giáo tại Úc hoặc Hoa Kỳ có trách nhiệm hoằng dương Phật Pháp, phổ độ chúng sinh ngay tại các quốc gia đã cưu mang mình.

Dĩ nhiên khi chuyển dịch như thế chúng ta cũng giúp các thế hệ người Việt trẻ tại 2 quốc gia này hiểu biết thêm về Phật pháp qua Anh Ngữ.
Nghi thức Tụng Niệm là một hành trang tinh thần quan trọng của người Phật Tử. Chính vì thế sau khi cải tổ, trong các chùa và tự viện Úc Châu sẽ chỉ còn sử dụng một ấn bản (version) duy nhất song ngữ Anh-Việt, không còn Hán Tự hay Phạn Tự, ngôn ngữ trong sáng và hiện đại mà mọi Phật Tử, từ già đến trẻ, từ Việt đến Tây Phương, khi đọc hay tụng kinh này, sẽ hiểu thêm, mở mang trí tuệ và hãnh diện vì tôn giáo của mình theo.

4. Giảng dạy Phật pháp cho giới trẻ Việt Nam và cho những người ngoại quốc bằng Anh Ngữ:
Đây là một công tác cần thiết và tích cực hơn, ngoài chuyển dịch kinh sách qua Anh Ngữ, để phát huy Phật Pháp và phổ độ chúng sinh. Tuy nhiên chỉ có thể hoàn tất nếu chúng ta đạt được 3 điều căn bản. Một là san định các kinh sách để cập nhật hóa bằng cách loại bỏ những mê tín dị đoan, hai là chuyển ngữ qua Anh Văn và ba là khuyến khích đào tạo những tu sĩ thông thạo Anh Ngữ. Tuy chưa làm được bây giờ nhưng chúng ta phải nghĩ tới và từng bước thực hiện.

5. Chuẩn bị thành lập Viện Phật Học để sau đó trở thành Đại Học Phật Giáo tại Úc Châu:
Đây là hoài bão của nhiều Phật Tử và nhiều chư Tôn Đức không những tại Úc Châu mà trên toàn thế giới.
Phật Pháp là một hệ thống tư tưởng uyên bác và khác hẳn với những tôn giáo bình thường, Phật Giáo mang yếu tính phi giáo điều và khai phóng cho tâm linh.

Tư tưởng Phật Đà trong Duy Thức Luận, Thiền Luận và ngay cả Tịnh Độ Tông chưa bao giờ xung khắc với bất cứ khám phá nào mới mẻ nhất của khoa học, từ Vật Lý Vũ Trụ (Astro-physics) đến Vật Lý Lượng Tử (Quantum physics) và luôn mang mùi vị giải thoát.
Hơn bất cứ tôn giáo nào khác, Phật Giáo cần phải có một Phật Học Viện và sau đó một Đại Học Phật Giáo tại Úc Châu để tích cực phổ độ chúng sinh hơn.
6. Thành lập mạng lưới truyền thông có hệ thống cho Phật Giáo Úc Châu:
Trong kỷ nguyên tin học, quyền lực lớn nhất một cá nhân hay tập thể có được là quyền lực đến từ truyền thông. Muốn bảo vệ và phát triển Phật Giáo mà không xây dựng cũng như kiện toàn một mạng lưới truyền thông có hệ thống là một điều không thể. Chính vì thế, trong phạm vi khả năng của Giáo Hội, tùy duyên mà vận hành, nhưng chúng ta phải cố gắng gầy dựng và kiện toàn mạng lưới truyền thông này.

Có 2 loại truyền thông chính:
(1) Truyền thông cổ điển gồm:
a. Cơ quan báo chí (Online hay in print)
Tuy chúng ta chưa có một tờ báo Phật Giáo in print, nhưng chúng ta đã có tờ báo online Trang Nhà Quảng Đức là một thành công lớn trên mặt trận truyền thông. Nếu chúng ta có thêm một tờ báo in print thì tiếng nói của Giáo Hội sẽ vô cùng mạnh mẽ và sẽ là một đóng góp lớn cho xã hội dân sự Úc Châu.
b. Đài Phát Thanh
Trong xã hội dân chủ, các đài phát thanh giữ một vai trò quan trọng vì tính phổ thông không ràng buộc không gian và thời gian. Thính giả có thể nghe trong lúc lái xe, khi nằm thiu thỉu ngủ v..v…Ngày hôm nay, với những kỹ thuật tân tiến, thành lập một đài phát thanh không tốn kém bao nhiêu. Một cá nhân cũng có thể làm được nếu có đầy đủ quyết tâm. Muốn đỡ tốn kém thì:
- Bắt đầu bằng phát thanh trên internet (Website, Youtube, Facebook…)
- Sau đó phát thanh trên làng sóng trực tiếp về Việt Nam và tại địa phương
c. Đài truyền hình:
Cũng là một phần của thông tin truyền thống nhưng phức tạp và tốn kém hơn nhiều. Chỉ khi nào Giáo Hội có đầy đủ điều kiện mới thực hiện được
(2) Truyền thông qua mạng xã hội:
Ngoài truyền thông cổ điển nêu trên, truyền thông qua mạng xã hội không kém phần quan trọng, nếu không nói là còn quan trọng hơn nữa.
Mạng xã hội bao gồm những phương tiện social media như: Facebook, Twitter, Minds, Youtube, Các Blogs, Các website khác nhau Emails v..v…
Nếu chúng ta biết kết hợp thành hệ thống sẽ là một mạng thông tin vô cùng có sức mạnh.
Social media đã lật đổ nhiều chế độ độc tài và sức mạnh hầu như vô giới hạn.
Một ưu điểm của Social media là không tốn kém nhiều. Mỗi cá nhân hoặc tập thể chỉ cần bỏ một chút công sức là thực hành được.

Một ví dụ chẳng hạn Giáo Hội khuyến khích:
a. Mỗi chùa hoặc tự viện mở 1 Facebook account để phổ biến tin tức và Phật sự trong phạm vi của mình
b. Mỗi cá nhân Phật tử cũng mở một facebook account để phổ biến tin tức và Phật sự mình tham gia cũng như những nhu cầu thông tin cá nhân của mình
c. Giáo hội liên kết tất cả những Facebook accounts đó thành một mạng lưới tương đối có hệ thống.
Chỉ bằng 3 tác động đơn giản nêu trên, khả năng phát huy thông tin, phát huy quan điểm của Giáo Hội, của Tăng Đoàn và vận động quần chúng, có thể vượt lên trên sức mạnh của hằng chục tờ báo cộng lại.
Đó là chỉ mới nói tới Facebook. Nếu thêm vào các phương tiện khác nêu trên như Youtube, Websites, Twitter, emails … và Giáo Hội phối hợp thêm nữa thì sức mạnh không thể nghĩ bàn.
Hàng Giáo phẩm của chúng ta sẽ không bao giờ còn bị hiếp đáp, mạ lỵ trên thông tin đại chúng, mà phải im lặng ngậm ngùi nữa.

7. Vấn đề bình đẳng giới tính:
Đức Thế Tôn đã khởi đầu cho cuộc cách mạng khai phóng cho người phụ nữ thì trách nhiệm của chúng ta là phải hoàn tất cuộc cách mạng đó để hoàn tất tâm nguyện của Ngài.
Nếu Giáo Hội tại Úc Châu khởi đầu thì các Giáo hội khác tại Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada và ngay tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan không biết chừng sẽ cải tổ theo. Tuy Ngài có tuệ giác và đủ uy tín khi còn sinh tiền, hầu cho phép người nữ xuất gia, mà không bị các quyền lực xã hội thuở xưa chống đối quá mạnh. Nhưng Ngài cũng phải tùy duyên hóa độ. Chính vì thế Ngài phải chấp nhận tương đối phân biệt nam nữ khi quy định giới luật cho Tỳ Kheo Ni nhiều hơn Tỳ Kheo Tăng.

Theo bài pháp của Đại đức Tiến sĩ Thiện Minh thuyết giảng tại Thiền viện Bồ Đề, phường 8, Tp. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Tu nữ Quang Duyên ghi chép:
“Có thống kê như sau: Theo giới luật Phật giáo Bắc tông, Tăng có 250 giới, Ni có 348 giới. Phật giáo Nguyên thủy về Tăng có 227 giới, Ni có 311 giới. Theo Hán tạng và Pali tạng, bên Ni có các điều giới nhiều hơn Tăng. Phật giáo Nguyên thủy từ thời Kiều Đàm Di mẫu cho tới ngày nay truyền thừa lại thì sự giữ giới của Tỳ kheo Ni như sau:
Một là, 8 pháp bất cộng trụ (Parajika)
Hai là, 17 pháp tăng tàn (Sanghadisesa)
Ba là, 30 điều ưng xả đối trị (Nissaggiya Pacittiya)
Bốn là, 166 giới ưng đối trị (Pacittiya)
Năm là, 8 Bất định (Patidesaniya)
Sáu là, 75 ưng học pháp (Sekhiya)
Bảy là, 7 Diệt tránh (Adhikaranasamatha Dhamma)
Tổng cộng 311 giới.”

Ngay từ ngày khai đạo, Đức Thế Tôn đã có tuệ nhãn để nhìn xuyên thấu một bất công xã hội mà các tôn giáo khác đến ngày nay vẫn chưa giải quyết được trọn vẹn. Đó là tính bình đẳng tuyệt đối giữa chúng sinh, con người, không phân biệt màu da và nhất là không phân biệt giới tính. 
Cuộc cách mạng Kỹ Nghệ tại Âu Châu đã khai sáng một kỷ nguyên mới đem lại phồn vinh và thịnh trào cho nền văn minh Tây Phương kể từ thế kỷ 18 đến nay. Chính yếu là vì cuộc cách mạng kỹ nghệ đã giải phóng trí tuệ và sức lao động của người phụ nữ Tây Phương.

IV. Kết luận:
Khi nào chúng ta cải tổ được như trên, trở nên một thực lực mạnh trong xã hội dân sự, có một cấu trúc Giáo hội tuy phân quyền nhưng hoạt động hiệu năng, nhất là sở hữu những công cụ truyền thông hùng mạnh thì không còn ai chèn ép Giáo hội được nữa.
Phật Giáo như một con khổng tượng đang ngủ và khi nó thức giấc, sẽ đem lại hòa bình vĩnh cửu cho nhân loại và chúng sinh Tam Giới. Nêu trên là thiển ý của một Phật tử tuy đã quy y Tam Bảo nhưng không hiểu biết nhiều về Phật Pháp. Dĩ nhiên có điều đúng và có điều sai. Hoặc có điều chưa thi hành được trong thời điểm này, nhưng trong tương lai có thể.

Nếu có điều mạo phạm mong Chư Tôn Đức niệm tình tha thứ.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Thường Hoan Hỉ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
KẾT NỐI CÙNG PGUC